Thông tin bài dự thi
Tên cá nhân/nhóm: NGÔ THẾ HƯNG
Tên Trường: Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE)
Tên đồ án: Làng Đồng Nát – Không gian sáng tạo tái chế Tân Triều, Hà Nội
Email: ngothehung.architect@gmail.com
Nội dung tóm tắt thuyết minh
Đặt vấn đề:
Trái đất nóng lên, không khí, nguồn nước, đất đai ô nhiễm quá mức, rác thải không thể xử lý, nguồn nước sạch suy giảm trầm trọng,… là những vấn đề cực kỳ lớn của xã hội con người hiện đại. Nó gia tăng mức độ từng giờ, từng ngày, nhanh hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đang làm để khống chế nó và bảo vệ môi trường. Vậy cụ thể hơn, với quy mô nhỏ hơn, trong chính thành phố nơi chúng ta đang sống, liệu rằng với vai trò của kiến trúc và kết hợp sức mạnh cộng đồng, điều gì có thể thay đổi?
“Triều Khúc là làng đồng nát lâu đời của Hà Nội. Từng cái chai, cái lọ, gỗ thừa, giấy bìa, sắt vụn được thu gom về đây và tiếp tục tái sinh thành các vật dụng trong đời sống. Làng đồng nát đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đô thị, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường sống và mất an toàn trong quy trình tái chế, cùng sự chuyển dịch khu vực thu gom theo chiến lược của thành phố Hà Nội dẫn đến mất việc làm mưu sinh của người dân. Với mong muốn có thể ổn định đời sống cho họ, đồng thời tạo ra một không gian sáng tạo tái chế thiết thực, hiệu quả, gần gũi hơn trong thời đại mà bất cứ đâu cũng là rác thải, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và khí hậu, chúng tôi đề ra một phương án thiết kế tổ hợp từ nghiên cứu, sáng tạo đến sản xuất và tiêu dùng sản phẩm tái chế. Cùng nhau, chúng ta tạo ra những sản phẩm tái chế với chất lượng cao, đó là chìa khóa để mọi người đều hài lòng và tin tưởng, xây dựng một xã hội lấy tái chế làm xu hướng phát triển bền vững và tất yếu, biến chất thải thành nguồn lực…”
Mục tiêu:
Đồ án có hai mục tiêu, gồm ngắn hạn và dài hạn:
[Mục tiêu ngắn hạn] Giải quyết vấn đề việc làm, ổn định đời sống cho người dân làng đồng nát Triều Khúc, tạo ra môi trường làm việc không ô nhiễm, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Bên cạnh đó, đồ án sẽ góp phần vào cộng đồng sống xanh tại Hà Nội, tạo ra không gian sinh hoạt, mua bán bền vững các sản phẩm tái chế, tái sử dụng thân thiện cho mọi người, mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ thủ đô. Giúp xã hội có cái nhìn thật hơn về tình hình môi trường, biến đổi khí hậu, cũng như hiểu đúng giá trị của đồ tái chế.
[Mục tiêu dài hạn] Tạo dựng một mạng lưới sản xuất-mua bán-nghiên cứu sản phẩm tái chế, bao gồm những công trình với chức năng tương tự nhau được bố trí khắp thủ đô, sau đó lan rộng ra các tỉnh thành khác và cả nước. Với cơ cấu đơn giản và một phần module hóa, đồ án dễ dàng phát triển lan rộng, tùy thuộc vào từng địa điểm cụ thể, cũng như nhu cầu của người sử dụng ở đó. Về lâu dài, hệ thống công trình này sẽ liên kết với các khu xử lý rác thải, để biến đổi từ thói quen vứt rác, quy trình thu gom rác cho đến kỹ thuật xử lý rác, điều mà Hà Nội hiện nay chưa làm được, và cũng là vấn đề của rất nhiều thành phố lớn trong và ngoài nước. Nền kinh tế tương lai, sẽ là nền kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành nguồn lực!
Ý tưởng:
Ý tưởng xuyên suốt được hình thành từ những câu chuyện về môi trường tạo nên đồ án này, xuất phát từ gốc rễ của vấn đề rác thải, sức mạnh của tái chế và sự bền vững trong tương lai.
[Câu chuyện việc làm] Ô nhiễm môi trường sống và quá trình chuyển dịch tái chế đô thị Hà Nội đang tác động xấu lên đời sống và việc làm của người lao động Triều Khúc. Đồ án tạo ra không gian làm việc và sinh hoạt cho họ, với tay nghề lâu năm, họ có thể nhanh chóng làm quen với phương pháp làm việc mới hiệu quả hơn, năng suất hơn và an toàn hơn. Sử dụng thùng container cũ làm kết cấu chính, vừa tái chế, vừa là module linh hoạt để áp dụng trong nhiều khu vực khác nhau.
[Câu chuyện cộng đồng] Một cộng đồng bền vững là cộng đồng mà mọi người có không gian và thời gian để có thể sinh hoạt thường xuyên, thoải mái và dễ dàng. Nơi đây sẽ là không gian tốt để có thể tuyên truyền, học tập về rác thải và môi trường, dần dần tạo thói quen tái chế hiệu quả trong xã hội.
[Câu chuyện gian hàng tái chế] Ngoài các trung tâm nghiên cứu đại học, thì các cá nhân, tổ chức nhỏ đều có thể bắt tay tái chế và sáng tạo tái chế, từ đó đã, đang và sẽ nắm bắt cơ hội phát triển sản phẩm đó ra thị trường. Vừa tạo ra kinh tế, vừa nâng cao tầm ảnh hưởng của sản xuất và tiêu dùng tái chế. Đồ án tạo ra không gian mua bán bao gồm những kiot module hóa (tùy biến theo kích thước cũng như loại sản phẩm tái chế) để họ có thể hiện thực hóa điều đó.
[Câu chuyện nghệ thuật] Rác thải bị vứt đi, chúng ta phải tự bảo vệ cuộc sống bằng cách tái chế chúng. Từ thời kỳ đầu có các hành động vì môi trường cho đến nay, chặng đường đó rất dài và gian nan. Vậy những tác phẩm nghệ thuật từ chính rác thải, sẽ khiến bản thân mỗi người có cơ hội nhìn lại, rằng những tác động xấu đã lớn đến như thế nào, và cần làm gì cho tương lai của chúng ta.
[Câu chuyện nghiên cứu] Việt Nam đang thúc đẩy các phát kiến sáng tạo đến từ học sinh-sinh viên trong mọi vấn đề xã hội, trong đó có vấn đề môi trường và rác thải. Nhận thấy việc cần có một và nhiều không gian trao đổi, nghiên cứu sáng tạo và thực hành sáng chế là tối quan trọng. Tái chế là khắc phục, còn tái thiết kế và phát kiến mới là tương lai bền vững của quá trình bảo vệ môi trường.
4. Tự đánh giá đồ án theo 05 tiêu chí của Giải thưởng:
[Sáng tạo] Đồ án mang tính mới hoàn toàn, trong cả cách tiếp cận cũng như cách giải quyết: Thay vì mua bán đồ cũ, đồ tái chế, đồng nát ở vỉa hè, lề đường, các khu thu gom, thì đồ án tạo ra không gian hiệu quả, áp dụng công nghệ và các giải pháp kỹ thuật để tạo ra sản phẩm tái chế “chất lượng” như sản phẩm thông thường. Sáng tạo nên những sản phẩm thay đổi quan niệm đã ăn sâu vào suy nghĩ của mọi người lâu nay, là “nát”, bỏ đi, kém chất lượng, hàng thải,… Đồ tái chế mới, là sạch sẽ, chất lượng, gọn gàng và bền vững.
[Địa điểm bền vững] Với vị trí xây dựng cách làng đồng nát Triều Khúc 1km, công trình đảm bảo thuận lợi để người lao động ở đó tiếp cận dễ dàng, đáp ứng được nhu cầu công việc và ăn uống, nghỉ ngơi hằng ngày. Đồng thời đây cũng là một khu đất nằm nên trục đường nối trung tâm thành phố và khu đô thị trẻ Hà Đông, gần các khu dân cư và trường học, vừa đảm bảo giao thông rộng rãi, vừa giúp mọi người có thể lui tới thường xuyên.
[Công nghệ xanh] Đặt yếu tố môi trường và tái chế lên đầu, đồ án sử dụng rất nhiều các công nghệ xanh, điển hình như công nghệ gạch lát Pavegen sản sinh năng lượng; Cây năng lượng The Wind Tree; Kính năng lượng làm từ rác thải rau củ; Hệ thống thu nước mưa và xử lý nước thải;…
[Vật liệu bền vững] Bản thân công trình đã là một sản phẩm tái chế, cho nên vật liệu sử dụng trong công trình là vật liệu bền vững: container cũ bỏ đi; gạch xây dựng đúc từ nhựa tái chế; gỗ thanh phế liệu làm trần; vỏ bao che làm từ gỗ, cửa cũ, thép tái chế; bê tông Topmix siêu thấm nước; vách ngăn không gian triển lãm làm từ vải Tyveks có thể tái chế hoàn toàn; kệ, bục trưng bày hoàn toàn từ đồ bỏ đi, tái sử dụng;…
[Cộng đồng – Nhân văn] Tính công đồng, nhân văn được thể hiện rõ qua mục tiêu của đồ án (đã nhắc đến ở phần 2) nhằm giải quyết vấn đề xã hội (câu chuyện mưu sinh làng Triều Khúc), vấn đề môi trường (tái chế, tái sử dụng) và đặc biệt là giá trị bền vững cho cộng đồng (thói quen sống và tiêu dùng).
5. Công nghệ mới được áp dụng trong đồ án:
[Thiết kế]
– Công nghệ xử lý rác thải mới: Nhỏ gọn, tính tùy biến cao phù hợp với mô hình ít người và máy móc đơn giản, phù hợp để áp dụng trong đô thị.
[Vật liệu]
Gạch xây dựng đúc từ nhựa tái chế: Từ rác thải nhựa, người ta đã tạo ra một loại gạch xây dựng đáp ứng được độ bền và chịu tải như gạch nung thông thường, áp dụng làm tường bao che toàn bộ khối công trình chính.
Vách ngăn không gian triển lãm làm từ vải Tyveks có thể tái chế hoàn toàn: Là loại vải nhựa với độ bền cao, thường được dùng làm áo phòng hộ, cứu hỏa, che chắn công trình đang thi công, … nó có thể tái chế rất dễ dàng 100%. Trong đồ án này, các vách ngăn vừa phân chia không gian, vừa kết nối không gian nhờ đặc điểm mờ đục xuyên sáng của nó, tạo hiệu quả thẩm mỹ cũng như cảm giác sử dụng.
Bê tông Topmix siêu thấm nước: Một công nghệ mới dùng để chống ngập lụt nhờ khả năng thấm và thoát nước tốt, khắc phục lượng nước tồn đọng trên bề mặt và giảm gánh nặng cho hệ thống nước của thành phố.
[Trang thiết bị]
Gạch lát Pavegen sản sinh năng lượng: Mỗi đơn vị lát là một thiết bị tạo ra điện khi có lực bước chân tác động lên. Pavegen là một dạng khai thác năng lượng thụ động có tiềm năng phát triển mạnh. Ở công trình của mình, tôi coi đó là yếu tố thú vị, mới mẻ và hiệu quả.
Cây năng lượng The Wind Tree: Là một sáng chế tuabin gió hình cây, với mỗi chiếc tuabin đại diện cho một chiếc lá. TWT có thể hoạt động ngay cả với tốc độ gió thấp 4m/s, rất phù hợp và thực tế khi áp dụng trong đô thị. TWT vừa mang giá trị cảnh quan, vừa tạo ra nguồn năng lượng sạch cho công trình.
Kính năng lượng làm từ rác thải rau củ: Là sản phẩm được tái chế từ rác thải thực vật, rau củ, kính năng lượng được tạo ra để khai thác năng lượng mặt trời theo nhiều hướng, ưu thế hơn so với pin năng lượng mặt trời thông thường. Đồng thời nó phù hợp cho nhiều hình thái công trình khi có thể kết hợp làm ô kính diện đứng hoặc thông sáng.
Hệ thống thu nước mưa và xử lý nước thải: Thu nước mưa để dùng cho vệ sinh, tưới tiêu; Xử lý nước thải xám để tái sử dụng trong xả nước bồn cầu và giảm gánh nặng cho hệ thống của thành phố.
6. Áp dụng công nghệ hỗ trợ:
Trong quá trình xây dựng và vận hành, đồ án sẽ áp dụng các công nghệ hỗ trợ, đảm bảo giảm thiểu tối đa phát thải và tăng tính hiệu quả khi sử dụng năng lượng.